Phụ nữ Quảng Nam được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ suốt 30 năm (1945-1975) của dân tộc vừa qua, phụ nữ Quảng Nam – Đà Nẵng đã đóng góp một phần rất đỗi tự hào bằng công sức, mồ hôi trí tuệ, máu xương và cả nước mắt cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Có thể nói trong những năm tháng đen tối nhất của cách mạng cũng như giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, hình ảnh của người phụ nữ xứ Quảng nổi bật lên như những tấm gương ngời sáng, bất khuất, ý chí kiên trung cách mạng bất chấp ngục tù, máy chém và những cuộc thảm sát dã man, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý hiểm độc mà kẻ địch đã tận dụng để đánh vào cơ sở nhằm tiêu diệt tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Không ai khác ngoài phụ nữ (gồm các bà má, người vợ, những thanh nữ và cả những em thiếu nhi nữ) là những người dám xả thân vì nước, vì dân, đương đầu lại với bạo lực khủng khiếp của kẻ địch, kiên quyết bám trụ trên mảnh đất quê hương, nuôi giấu, chở che, bảo vệ cán bộ cách mạng, nhen nhóm xây dựng lại lực lượng quần chúng bị địch đánh phá tan rã.

Thật khó mà kể hết những tấm gương phụ nữ kiên trung với cách mạng như mẹ Cộng (Điện Tiến), mẹ Trĩ (Phước Tân), mẹ Nhu (Thanh Khê)… và những tấm gương anh hùng như mẹ Văn Thị Thừa, mẹ Trịnh Thị Liền, các chị Trần Thị Lý, Đặng Thị Én, Hồ Thị Lý, Ngô Thị Huệ, Mai Thị Rân, Căn Zơh (dân tộc Cơ tu)… và hàng ngàn, hàng vạn phụ nữ đã quên mình xông pha trong mưa bom bão đạn, bám trụ tại xóm làng để sản xuất, đào hầm bí mật, nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ, vận chuyển thương binh, cung cấp lương thực, thuốc men cho bộ đội, du kích. Những chị em trẻ thì trực tiếp cầm súng chiến đấu, làm giao liên, đấu tranh chính trị, binh vận, hoạt động ở nội thành, ở chiến khu…

Nhiều người đã anh dũng hy sinh, bị cầm tù hàng chục năm trời, bị tra tấn dã man trở thành tàn phế, nhưng lòng dạ họ vẫn sáng trong, khí tiết vẫn giữ vẹn tròn. Có biết bao người phụ nữ đã tiễn chồng đi thoát ly chiến đấu, những người mẹ nuốt nước mắt vào trong để núm ruột cuối cùng của mình đi làm nhiệm vụ cứu nước.

Những con số sau đây chính là những “chất liệu” đặc biệt vừa thiêng liêng để tạo nên danh hiệu “TRUNG DŨNG, KIÊN CƯỜNG” của một vùng đất.

Qua hai cuộc chiến tranh đã có hơn 64.000 liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, trong ngục tù của địch. (Có 15.000 bà mẹ các liệt sĩ hiện vẫn còn sống).

Tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam – Đà Nẵng là 8.663 (Quảng Nam: 7.231; Đà Nẵng: 1.432), chiếm hơn 1/6 số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước, trong đó có nhiều Bà mẹ có 4-5 con hy sinh, đặc biệt có mẹ Nguyễn Thị Thứ có 9 người con, một con rể và một người cháu nội hy sinh.

Có 9.000 nữ tù yêu nước bị giam cầm trong các nhà lao tỉnh, nhà lao Thừa Phủ (Huế), Chí Hòa (Sài Gòn) và Côn Đảo.

Có 18 nữ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có mẹ Văn Thị Thừa (Duy An) vừa là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Riêng một huyện Điện Bàn, mảnh đất chịu nhiều hy sinh tổn thất, có số lượng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất trong tỉnh và cả nước: 14.836 liệt sĩ chiếm 28% số hộ dân; 1.618 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Để khẳng định công lao và những đóng góp vô cùng to lớn của phụ nữ Quảng Nam, tháng 6-2006, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 371/2006 QĐ-CTN, trao tặng Phụ nữ tỉnh Quảng Nam danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.